Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Vùng này có khi được gọi là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam.
Với lịch sử hình thành vùng Tây Bắc bắt đầu từ cách đây 500 triệu năm và đến bây giờ vẫn tiếp tục. Thuở ban đầu, vùng đất này là biển chỉ có một số đỉnh ở dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã là nổi lên trên bề mặt biển.
Biển liên tục rút ra xa rồi lại lấn vào suốt hàng trăm triệu năm. Trong quá trình ấy, đã có những sự sụt lún mạnh, góp phần hình thành các tầng đá phiến và đá vôi. Vào cuối đại Cổ sinh (cách đây chừng 300 triệu năm), dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Sông Mã đã được nâng lên hẳn.
Địa máng sông Đà lúc đó vẫn chìm dưới biển. Cho đến cách đây 150 triệu năm, chu kỳ tạo núi Indichina làm cho hai bờ địa máng từ từ tiến lại gần nhau, khiến cho trầm tích trong địa máng uốn lên thành những nếp uốn khổng lồ, đồng thời làm cho tầng đá vôi có tuổi cổ hơn lại trồi lên trên tầng đá phiến, tạo thành những cao nguyên đá vôi ngày nay.
Trong quá trình tạo núi, còn có sự xâm nhập của macma. Kết quả là, vùng núi Tây Bắc được nâng lên với một biên độ đến 1000 mét. Chính bởi quá trình hình thành những vùng địa chất của lịch sử làm cho Tây Bắc còn có nhiều điều khám phá.
Vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh với diện tích trên 6,64 triệu ha với 3,5 triệu dân:
Hòa Bình
Sơn La
Điện Biên
Lai Châu
Lào Cai
Yên Bái
Mặc dù một số phần của Phú Thọ và tỉnh Lào Cai, Yên Bái nằm ở hữu ngạn sông Hồng, do dòng sông chạy qua giữa địa phận các tỉnh này, song phạm vi hành chính của vùng Tây Bắc không bao gồm Phú Thọ, đôi khi cả 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũng được xếp vào Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên hiện nay trụ sở của Ban chỉ đạo Tây Bắc nằm ở thành phố Yên Bái.
Tây Bắc một vùng văn hóa, xứ sở hoa ban, quê hương xòe hoa, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử Tiễn dặn người yêu nhưng cũng đầy tiếng than thở của những thân phận người Tiếng hát làm dâu.